Nam triều thắng thế Chiến_tranh_Lê-Mạc

Mạc Mậu Hợp từ nhỏ lên ngôi, khi lớn vẫn dựa vào các hoàng thân phụ chính, không chú trọng việc chính sự. Sau khi Mạc Kính Điển qua đời, việc trong ngoài đều trông chờ vào Mạc Đôn Nhượng cùng các tướng Nguyễn Quyện, Mạc Ngọc Liễn. Uy thế quân Mạc suy sút nhiều và thường bị thua trận.

Chiến sự 1584-1585

Tháng giêng năm 1584, Trịnh Tùng ra quân đánh các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang (Ninh Bình).

Tháng giêng năm 1585, Trịnh Tùng mang quân đi đánh phá các huyện Mỹ Lương, Thạch Thất, Yên Sơn. Quân Lê tiến tới núi Sài Sơn thì rút về, Trịnh Tùng để lại viên tỳ tướng là Chiêu quận công ở chợ Quảng Xá. Quân Mạc đuổi theo đánh, Chiêu quận công chết tại trận. Trịnh Tùng đem quân về nam.

Chiến sự 1587

Tháng 12 năm 1587, Trịnh Tùng mang quân ra bắc, đến huyện Mỹ Lương. Mạc Mậu Hợp sai Mạc Ngọc Liễn đem quân ra huyện Ninh Sơn để đánh vào phía trái tả, Nguyễn Quyện đem quân ra huyện Chương Đức, vượt sông Do Lễ[13] đánh vào bên phải. Nguyễn Quyện đến sông Do Lễ chia quân phục sẵn ở con đường nhỏ dưới chân núi để đợi quân Lê tới, định cắt đứt con đường chở lương của cánh quân Lê phía sau.

Trịnh Tùng đoán biết ý định quân Mạc, bèn chia quân để lại cho Hà Thọ Lộc, Ngô Cảnh Hựu bảo vệ quân chở lương ở phía sau; còn Hoàng Đình Ái đem quân ngầm rút nhanh về để giữ Thanh Hoa; Nguyễn Hữu Liêu, Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh đem quân ra cầm cự với quân của Mạc Ngọc Liễn. Trịnh Tùng tự mình cầm đại quân ra đánh Nguyễn Quyện.

Quân hai bên giao chiến, quân Lê thắng lớn. Nguyễn Quyện tự liệu không thể chống nổi, liền rút chạy; quân Mạc mai phục cũng vỡ chạy, tranh nhau qua sông, bị chết đuối rất nhiều, vài trăm người bị quân Lê giết chết.

Mạc Ngọc Liễn nghe tin cánh quân Nguyễn Quyện đã thua, cũng lui quân về. Quân Lê từ Đốn Thuỷ, tiến đóng ở Hoàng Sơn, lại tiến đánh Yên Sơn, và Thạch Thất. Sang đầu năm dương lịch 1588, Trịnh Tùng thu quân và hạ lệnh rút về Thanh Hóa.

Chiến sự 1588

Sau trận chiến năm 1587, kinh tế nhà Mạc bị tàn phá nghiêm trọng. Nhằm tính kế phòng thủ lâu dài, tháng 3 năm 1588, Mạc Mậu Hợp lệnh cho dân các huyện đắp thêm 3 tầng lũy ngoài thành Thăng Long, từ phường Nhật Chiêu qua Tây Hồ đến Cầu Dừa, Cầu Dền và Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhuệ. Lũy cao hơn thành Thăng Long vài trượng, đào 3 tầng hào, trồng che vài chục dặm để phòng bị.

Tháng 12 năm 1588, Trịnh Tùng đem đại binh ra đánh các huyện của phủ Trường Yên và Thiên Quan. Quân Lê tới Yên Mô, Yên Khang rồi đến luỹ trại Dương Vũ đóng quân. Sau một tuần, Trịnh Tùng giả cách rút quân về, để lại kỳ binh và voi ngựa mai phục ở sau dinh rồi đốt doanh trại để dụ quân Mạc. Tân quận công, Quỳnh quận công phía quân Mạc ra tiến lên, phục binh nổi dậy đánh úp, chém được mấy trăm quân Mạc. Tân quận công, Quỳnh quận công chạy thoát. Trịnh Tùng lại thu quân rút về Thanh Hóa.

Chiến sự 1589

Mùa thu năm 1589, Mạc Đôn Nhượng thống suất quân bốn trấn, định ngày cùng tiến đến Yên Mô, hẹn giao chiến với quân Nam triều.

Trịnh Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu đem 15.000 quân tinh nhuệ và 200 cỗ khinh kỵ, đi ngầm trong đêm tối tới vùng chân núi tìm các hang động, khe suối và những nơi có lau sậy mà mai phục để đợi quân Mạc; Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh đem quân chặn hậu; Ngô Cảnh Hựu đem quân chở lương thực, thu nhặt rút trước vào núi Tam Điệp để lừa quân Mạc tưởng là lui quân về.

Mạc Đôn Nhượng không biết kế lừa, nhân có nhiều quân bèn thúc tiến đánh. Đến chỗ hiểm ở núi Tam Điệp, Trịnh Tùng tung đại quân đánh ra, chém được hơn 1.000 quân Mạc, bắt sống được hơn 600 người. Quân Mạc tan vỡ chạy về Thăng Long. Trịnh Tùng cũng đem quân về Thanh Hóa.

Chiến sự 1592-1593

Chiến trận giáp Tết

Tháng chạp năm Tân Mão (đầu năm dương lịch 1592), Trịnh Tùng khởi đại quân ra bắc. Quân chia làm 5 đạo:

  1. Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Ninh đem 1 vạn quân tinh nhuệ làm tiên phong
  2. Hoàng Đình Ái, Trịnh Đồng và voi ngựa cùng 1 vạn quân
  3. Trịnh Đỗ và 1 vạn giáp binh, voi, ngựa
  4. Trịnh Tùng đích thân đốc suất 2 vạn quân
  5. Hà Thọ Lộc và Ngô Cảnh Hựu cùng đốc suất quân chở lương làm hậu quân.

Ngoài ra, Trịnh Tùng sai Trịnh Văn Hải, Nguyễn Thất Lý đem quân thuỷ, bộ đi trấn giữ những nơi hiểm yếu ở các cửa biển, Lê Hoà kiêm coi võ sĩ trong ngoài bốn vệ bảo vệ vua Lê Thế Tông. Quân Nam triều từ Tây Đô đi ra theo đường tây bắc của huyện Thạch Thành[14], qua phủ Thiên quan, đi gấp hơn 10 ngày, đến núi Mã Yên thuộc huyện Quốc Oai thì đóng quân lại.

Quân Nam triều khí thế mạnh mẽ, trong 10 ngày tiến thẳng đến các huyện Yên Sơn, Thạch Thất, Phúc Lộc[15], Tân Phong[16].

Ngày 21 tháng chạp, Mạc Mậu Hợp cử hết đại binh, tất cả hơn 10 vạn người, chia ra các đạo:

  1. Mạc Ngọc Liễn đốc suất các tướng sĩ binh mã Tây đạo đi bên phải
  2. Nguyễn Quyện đốc suất tướng sĩ binh mã Nam đạo đi bên trái
  3. Ngạn quận công, Thuỷ quận công chỉ huy binh mã Đông đạo
  4. Đương quận công, Xuyên quận công chỉ huy binh mã Bắc đạo
  5. Khuông quận công, Tân quận công chỉ huy binh mã 4 vệ đi tiên phong[17].

Mạc Mậu Hợp đích thân đốc suất binh mã của chính dinh. Ngày 27 tháng chạp, quân Mạc chia đường cùng tiến. Đến địa phận xã Phấn Thượng[18], hai bên đối trận với nhau, dàn bày binh mã. Mạc Mậu Hợp đích thân đốc chiến.

Quân hai bên đón đánh nhau giáp lá cà suốt từ sáng sớm giờ Mão đến giờ Tỵ gần trưa, quân Nam triều chém được Khuông Định công và Tân quận công của Bắc triều tại trận. Quân Mạc không địch nổi, tan vỡ bỏ chạy. Quân Nam triều đuổi đến Giang Cao, chém được hơn 1 vạn quân Mạc, cướp được rất nhiều khí giới và ngựa. Mạc Mậu Hợp xuống thuyền vượt sông bỏ chạy về Thăng Long.

Ngày 30 tết âm lịch, Trịnh Tùng tiến quân đến chợ Hoàng Xá, hạ lệnh cho quân các dinh vượt sông Cù[19] phá huỷ hào luỹ của quân Mạc, san thành đất bằng. Trịnh Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu đem 5000 quân tinh nhuệ và voi tiến đến đóng ở cầu Cao tại góc tây bắc thành Thăng Long, thiêu đốt nhà cửa. Mạc Mậu Hợp bỏ kinh thành chạy trốn.

Chiến trận sau Tết

Ngày mồng 5 tết, Trịnh Tùng đốc quân vượt sông, Mạc Mậu Hợp vượt sông Nhị Hà đến bến Bồ Đề, ở tại Thổ Khối[20], để lại các đại tướng chia giữ các cửa trong thành.

Ngày mồng 6 tết, Trịnh Tùng đốc quân qua sông Tô Lịch đến cầu Nhân Mục, đóng quân ở núi Xạ Đôi[21] dàn binh bố trận.

Mạc Mậu Hợp sai Mạc Ngọc Liễn đem quân bản đạo cố thủ từ cửa Bảo Khánh về phía tây đến phường Nhật Chiêu; Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên đem quân bốn vệ giữ cửa Cầu Dừa, qua cửa Cầu Muống đến thẳng cửa Cầu Dền, ngày đêm đóng cửa cố thủ trong thành Đại La; Nguyễn Quyện đem quân giữ từ Mạc Xá trở về đông, ứng cứu quân các đạo. Mạc Mậu Hợp tự đốc suất thuỷ quân, dàn hơn 100 chiếc thuyền giữ sông Nhị Hà để làm thanh viện. Nguyễn Quyện đặt quân phục ở ngoài cửa Cầu Dền để đợi, dàn súng lớn Bách Tử và các thứ hoả khí để phòng bị.

Trịnh Tùng ra lệnh tiến đánh. Hai bên giao chiến từ sáng giờ Tỵ đến giờ Mùi (qua trưa) chưa phân thắng bại. Sau đó Văn Khuê, Bách Niên tự liệu sức không chống nổi, quân tự tan vỡ tháo chạy. Mạc Ngọc Liễn thấy các cánh quân bị thua cũng bỏ chạy theo. Quân Nam triều đuổi tràn đến tận sông, phóng lửa đốt cung điện và nhà cửa trong thành.

Sau đó Trịnh Tùng thúc voi ngựa và quân lính đánh phá cửa Cầu Dền. Quân Mạc tan vỡ, quân mai phục của Nguyễn Quyện chưa kịp nổi dậy, bị chết hết ở ngoài cửa Cầu Dền. Nguyễn Quyện cùng kế, định chạy trốn, nhưng không còn đường nào, trong ngoài đều vị vây và cửa luỹ lại bị lấp. Các con Nguyễn Quyện Bảo Trung, Nghĩa Trạch và thủ hạ cố sức đánh, đều bị tử trận. Nguyễn Quyện kiệt sức chạy về bản dinh, bị quân Nam triều bắt sống[22].

Tổng số quân Mạc bị chết vài ngàn người, tướng Mạc bị chết đến mấy chục viên[23]. Mạc Mậu Hợp thu nhặt tàn quân giữ sông Cái để cố thủ. Trịnh Tùng đem quân đến bờ sông, dừng lại đóng doanh trại.

Nguyễn Quyện bị bắt, trá hàng Trịnh Tùng, xui Tùng điều quân đi phá luỹ đất mà quân Bắc triều đã đắp thành Đại La năm trước để làm kế hoãn binh, kéo dài thời gian cho vua Mạc chuẩn bị lực lượng phòng thủ bên kia sông[23]. Trịnh Tùng làm theo, ngày rằm tháng giêng sai quân Nam triều san luỹ đất, phát hết bụi rậm gai góc, cày lấp hào rãnh.

Tháng 3 âm lịch năm 1592, Trịnh Tùng tiến quân đến huyện Chương Đức, chia quân đi đánh các huyện Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên, tự mình đốc quân đánh dẹp các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Lộc, Tiên Phong, Ma Nghĩa, Yên Sơn, Thạch Thất. Sau đó quân Nam triều rút về Thanh Hóa.

Chiến trận tháng 10

sông Hồng ngăn trở, quân Nam triều chưa qua sông được. Mạc Mậu Hợp lại không lo phòng giữ, sa vào tửu sắc. Vợ tướng Bùi Văn KhuêNguyễn Thị Niên có chị ruột là hoàng hậu của Mậu Hợp[24], thường ra vào trong cung. Mậu Hợp thấy Thị Niên đẹp, liền ngầm mưu dụ giết Văn Khuê để cướp lấy vợ.

Bùi Văn Khuê biết chuyện, tháng 10 năm đó liền sai con là Bùi Văn Nguyên chạy đến xin hàng Lê. Trịnh Tùng nghe sai Hoàng Đình Ái đi trước cứu Văn Khuê. Mạc Mậu Hợp biết Văn Khuê đã đầu hàng, lại có quân đến cứu, liền lui về giữ sông Thiên Phái[25].

Ngày 28 tháng 10, Trịnh Tùng mang quân ra phủ Trường Yên. Mạc Mậu Hợp sai Nghĩa quốc công ra đóng quân ở sông Thiên Phái, đắp luỹ đất ở bờ sông chống cự, thả chông tre hai bên bờ sông. Trịnh Tùng sai Bùi Văn Khuê ngầm kéo theo thuyền ra cửa sông để đánh ở thượng lưu, sai bắn súng ở ven sông để đánh ở hạ lưu; sai voi ngựa, quân lính qua sông đánh mạnh vào trung lưu để thu lấy thuyền quân Mạc trên sông.

Nghĩa quốc công trở tay không kịp, bỏ thuyền chạy trốn, quân lính tan vỡ tháo chạy. Quân Nam triều thu được 70 chiếc thuyền. Nghĩa quốc công thu nhặt tàn quân trở về Thăng Long. Tướng Mạc là Trần Bách Niên đem quân tới hàng Lê.

Đoạn kết của Bắc triều

Ngày 14 tháng 11, quân Nam triều ra cửa sông Hát tiến theo cả hai đường thuỷ, bộ. Tướng Mạc là Mạc Ngọc Liễn dàn thuyền để chống cự, cắm cọc gỗ ở cửa sông Hát, đắp luỹ đất trên bờ sông làm thế hiểm vững. Quân Nam triều tiến đánh phá tan, Ngọc Liễn cùng quân lính bỏ thuyền lên bộ chạy đến chân núi Tam Đảo. Quân Nam triều đuổi đến tận cửa Nam thành Thăng Long, đóng quân ở bến Sa Thảo[26].

Đêm 14 tháng 11, Mạc Mậu Hợp cùng tông tộc trốn chạy về huyện Kim Thành, trấn Hải Dương. Các tướng Mạc nhiều người đến hàng Nam triều.

Ngày 25 tháng 11, Trịnh Tùng tiến quân đến Hải Dương. Mạc Mậu Hợp bỏ thành chạy trốn, các cánh quân không tiếp ứng được nhau, bỏ hết thuyền bè chạy trốn.

Mạc Mậu Hợp lập con là Mạc Toàn làm vua, tự mình làm tướng đốc quân.

Tháng chạp năm Nhâm Thìn (đầu năm 1593 dương lịch), Trịnh Tùng chia quân phá được tông thất nhà Mạc là Mạc Kính Chỉ ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Hà (Hải Dương).

Các cánh quân Mạc bị thua lớn, tan rã. Mạc Mậu Hợp bỏ thuyền đi bộ, đến một ngôi chùa ở huyện Phượng Nhãn ẩn nấp, giả làm sư. Được 11 ngày, quân Nam triều truy kích đến nơi, có người trong thôn dẫn đường đưa vào chùa bắt được Mạc Mậu Hợp. Mậu Hợp bị đưa về dinh quân Trịnh Tùng, hành hình ở bến Bồ Đề.

Không lâu sau Vũ An Đế Mạc Toàn cũng bị quân Nam triều bắt và giết chết. Kể từ đó Bắc triều chấm dứt.